Nếu có một dẫn chứng hoàn hảo nhất để kêu gọi thay đổi định kiến với Esports, đó chính là sự nghiệp của Lee “Faker” Sang-hyeok.
Được xem là người chơi Liên minh huyền thoại (LMHT) thành công nhất trong lịch sử, tên tuổi của Faker từ lâu đã được biết đến rộng rãi. Ở tuổi 26, anh có mọi thứ một VĐV Esports mong muốn, bao gồm bộ sưu tập danh hiệu trọn vẹn, một sự nghiệp lừng lẫy khoác áo chỉ một đội tuyển (T1) và thu nhập hàng năm khoảng 6,2 triệu USD.
Faker (bìa trái) cùng các thành viên SKT T1 vô địch thế giới năm 2013.
Sinh năm 1996 tại Seoul, Faker sớm không có mẹ. Anh được nuôi bởi bà và bố – Lee Kyung-joon. Theo tiết lộ của ông Lee, khi còn nhỏ, Faker rất hướng nội. Khi bố đi làm, anh chỉ ở nhà chơi game cùng em trai. Ở thời điểm thi đấu trò chơi điện tử còn mới mẻ, ông Lee là người ủng hộ nhiệt thành nhất và luôn tin Faker sẽ thành công trên con đường này.
Faker biết đến LMHT cuối năm 2011, nhìn thấy trò chơi này trong một lần lướt web. Anh tập chơi rồi dần dà trở thành cao thủ. Faker bắt đầu tham gia các giải đấu trực tuyến và được các đội tuyển LMHT chú ý. Quyết định trở thành game thủ chuyên nghiệp vào năm 2012, khi vừa vào trường trung học, rất khó khăn với Faker do gia cảnh khó khăn. Nhưng gạt bỏ tất cả, anh gia nhập đội hai của SKT T1 (tiền thân của T1).
Họ nhanh chóng trở thành một thế lực của LMHT Hàn Quốc, vô địch giải Olympus Champions mùa xuân 2013. Faker gây chú ý khi áp đảo đàn anh Kang “Ambition” Chan-yong ở đường giữa. Tại LCK mùa hè 2013, Faker gây sốc cho cả thế giới với pha outplay (trên tay) Ryu khi cả hai dùng tướng Zed. Đó là dấu mốc cho sự ra đời của một huyền thoại. Cho đến nay, những người chơi LMHT vẫn nhớ giọng đọc của bình luận viên trong pha thi đấu đó, tương tự tình huống Sergio Aguero ghi bàn, mang về chức vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên cho Man City hồi năm 2012.
Chiến thắng đó cũng đưa SKT T1 đến chung kết thế giới 2013 (Worlds 2013), nơi họ đánh bại Royal Club 3-0 để giành chiếc Cup đầu tiên trong ba lần vô địch thế giới. Tuy nhiên, sau chiến tích này, SKT T1 lâm vào khủng hoảng. Ban lãnh đạo quyết định tạo ra một cuộc cách mạng, chỉ giữ lại Faker và đi rừng Bengi làm nền móng để xây dựng một đội hình mới.
Một năm sau, SKT T1 trở lại Worlds. Với phong độ chói sáng của cả đội hình, họ chạm tay vào Cup vô địch mà chỉ thua một ván trước KOO Tigers ở chung kết. Nhưng để nói về tầm ảnh hưởng của Faker với SKT T1, không thể không nhắc đến hành trình bảo vệ chức vô địch thế giới năm 2016, khi anh gồng gánh đội qua những giây phút khó khăn. Màn trình diễn đó giúp Faker giành danh hiệu MVP của giải đấu – lần duy nhất anh làm được điều này.
Faker nâng Cup vô địch thế giới 2016, giải đấu anh được bình chọn là MVP.
Năm 2017 là một năm buồn với Faker. SKT T1 thua kình địch Samsung Galaxy ở chung kết Worlds. Sau khi bị bắt, dẫn đến thất bại ở ván quyết định, Faker gục xuống bàn khóc. Đến khi đối thủ qua bắt tay, anh mới ngẩng dậy. Đó là lần đầu người hâm mộ thấy một Faker bất lực đến tầm thường, trái ngược với biệt danh “Quỷ vương” mà cả thế giới đã tôn xưng anh dựa vào kỹ năng thượng thừa, khiến anh gần như không thể bị hạ gục trong các trận đấu.
Đó cũng là lần cuối Faker và SKT T1 vào chung kết Worlds cho đến năm nay, khi họ trở lại mạnh mẽ với một đội hình trẻ trung. Faker vẫn ở đó, là cơ sở cho cuộc chuyển giao thế hệ một lần nữa. Đồng đội năm xưa của anh – Bengi – đã trở thành HLV trong khi các đồng đội đều kém Faker từ 6 đến 8 tuổi.
Sự vĩ đại của Faker nằm ở chỗ anh khiến trò chơi phải thay đổi theo phong cách của mình, thay vì thay đổi theo trò chơi để chiếm lợi thế. Từng bước di chuyển, cắm mắt, căn chỉnh thời gian, tác động lên bản đồ để mang về lợi thế cho đội của Faker được đem ra mổ xẻ và ảnh hưởng lên thế hệ người chơi mới.
Các chuyên gia đã phân tích sự phát triển của LMHT trong nhiều năm, qua đó nhận thấy tầm ảnh hưởng của Faker trong quá trình đó. Rất nhiều lần, nhà phát hành LMHT – Riot Games – phải điều chỉnh tính cân bằng của trò chơi sau khi Faker khám phá ra một lối chơi mới và khiến nó trở nên phổ biến.
Điều gì tạo nên thành công của Faker? Tài năng thiên bẩm hay ý chí tập luyện không mệt mỏi? Vào năm 2016, trong một bài báo về Faker, tờ Chosun Ilbo cho rằng anh là VĐV Hàn Quốc được giới trẻ thế giới biết đến nhiều nhất, hơn cả những biểu tượng như cầu thủ Park Ji-sung hay VĐV trượt băng Kim Yuna. Truyền thông nước ngoài thường so sánh Faker với Lionel Messi của bóng đá hay Michael Jordan của bóng rổ. Điều đó thể hiện anh sinh ra để chơi LMHT.
Tài năng thôi là chưa đủ. Faker từng tiết lộ lịch tập luyện khủng khiếp của anh: 12 tiếng mỗi ngày, trước những trận quan trọng như chung kết khu vực hay thế giới, con số này tăng lên 15. “Tôi thường đi ngủ vào bốn giờ sáng rồi thức dậy trưa hôm sau”, anh nói. Faker ít sử dụng các mạng xã hội vì muốn duy trì sự tập trung để thi đấu.
Những tuyển thủ chuyên nghiệp như Faker dành hơn 10 tiếng mỗi ngày để tập luyện.
“Esport là trò chơi tâm lý, như cờ vây hay cờ vua. Nhưng tôi buồn khi nó ít được nhìn nhận bởi xã hội. Để thay đổi điều này, tôi hy vọng các VĐV Esports thể hiện tinh thần chuyên nghiệp hơn”, Faker nói. Chính sự chuyên nghiệp này đã giúp anh duy trì phong độ đỉnh cao trong nhiều năm.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu tập luyện chăm chỉ có phải cách để trở thành người chơi giỏi, Faker thừa nhận: “Bạn phải có tài năng. Tôi sẽ không khuyến khích một người trở thành game thủ chuyên nghiệp nếu không có tài. Mức độ căng thẳng bạn phải chịu khi thua cuộc lớn đến mức không thể chịu nổi với người trẻ. 90% số người cố trở thành game thủ chuyên nghiệp thất bại”.
Lòng trung thành của Faker với T1 cũng là lý do khiến anh được yêu mến. Trong LMHT chuyên nghiệp, các VĐV thường ký hợp đồng một năm hoặc hai năm, thậm chí chuyển đội trước khi hết hợp đồng. Điều đó tạo ra không khí sôi động trên thị trường chuyển nhượng của bộ môn này vào cuối năm. Nhưng khó có thể tưởng tượng Faker rời T1 để gia nhập CLB khác. Thực tế, vào năm 2020, Faker đã trở thành một trong những đồng sở hữu công ty T1 Entertainment & Sports sau khi gia hạn với tổ chức này. Sau khi giải nghệ, rất có thể anh sẽ được bổ nhiệm vào một vị trí trong ban lãnh đạo.
Sự khiêm tốn và giản dị cũng giúp Faker chiếm cảm tình từ nhiều người. Tuy có thu nhập tới 6,2 triệu USD mỗi năm, từ lương, thưởng, quảng cáo, stream và donate, Faker từng nói anh đặt giới hạn cho bản thân không tiêu quá 10.000 won mỗi tháng (175.000 đồng).
“Khi tôi còn nhỏ, gia đình không dư dả. Bây giờ, tôi không cảm thấy có gì khác. Tôi không tham lam. Bố tôi quản lý tiền lương và thưởng của tôi. Khi tập luyện, bạn không có thời gian để tiêu tiền. Tôi không thích ăn ngoài, không thích mua sắm quần áo mới. Tôi cũng không có bạn gái”, anh tiết lộ. Faker nói anh chỉ nhận thức về số tiền mình làm ra khi mua căn hộ rộng 158m2 cho gia đình.
Faker cùng bộ sưu tập danh hiệu, gồm ba chức vô địch thế giới và hai MSI.
Tuy LMHT đã mang lại cho Faker tiền tài và danh vọng, anh ấp ủ ý định rời xa bộ môn này sau khi giải nghệ: “Sau khi ngừng thi đấu chuyên nghiệp, tôi muốn học về thần kinh. Rất nhiều lần tự hỏi tại sao bản thân chơi LMHT giỏi, tôi chỉ tìm được câu trả lời là do tài năng trời phú. Tôi nghi ngờ phải có điều gì trong bộ não tạo ra điều đó. Đấy là lý do tôi muốn nghiên cứu”.
Faker đã đi cùng những thăng trầm của LMHT, khiến tên tuổi anh gắn liền với bộ môn này. Có lúc, LMHT dường như đi xuống. Nhưng tác động của Covid-19 đã đưa Esports và bộ môn này trở lại như một phương thức kết nối cũng như tập luyện thể thao để chống lại tác động tiêu cực về tâm lý và thể chất của dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, Faker rực sáng một lần nữa, ở Worlds 2022. Nhiều người nói đây có thể là giải đấu lớn cuối cùng của anh, giống như Lasse “MATUMBAMAN” Urpalainen của Dota2 – người vừa giải nghệ sau khi cùng Team Liquid giành vị trí thứ ba tại The International 11. Dù thế nào đi nữa, những người yêu mến Faker hiểu thời gian họ xem anh thi đấu không còn nhiều. Điều đó khiến trận chung kết Worlds 2022 giữa T1 và DRX thêm phần đặc biệt.