Gần đây, cùng với lùm xùm của vợ chồng Đoàn Di Băng, công ty đa cấp Lô Hội một lần nữa nhận được sự chú ý từ dư luận. Doanh nhân Nguyễn Quốc Vũ và vợ Đoàn Di Băng từng được giới thiệu là quản lý cấp cao của Lô Hội.
Loạt lùm xùm của đa cấp Lô Hội
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Thương mại Lô Hội được thành lập vào năm 2001, trụ sở chính tại 193/11 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM.
Khi mới thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 5 tỷ đồng do bà Trương Thị Nhi (SN 1948) – Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam làm người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc.
Đến tháng 11/2023, chức vụ trên được chuyển sang cho bà Trương Võ Hoàng Ý. Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó, bà Trương Thị Nhi góp 49,36 tỷ đồng nắm 98,72% vốn, bà Nguyễn Thị Thùy Dương góp 640 triệu đồng, nắm 1,28%.
Lô Hội từng gây dậy sóng khi kinh doanh theo mô hình đa cấp những năm đầu 2000, đặc biệt ghi dấu với thế hệ 8X-9X. Công ty này giới thiệu là nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm mang thương hiệu Forever Living Products của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Theo website, Lô Hội đang có khoảng 66 mặt hàng từ mỹ phẩm chăm sóc da, chăm sóc cá nhân cho đến thực phẩm chức năng hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc da, giảm cân….
Đáng nói, Lô Hội từng bị thanh tra và xử phạt nhiều lần. Cụ thể, năm 2006, Đoàn thanh tra do Sở Thương mại TP.HCM đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH TM Lô Hội với nhiều sai phạm.
Kết luận của thanh tra cho biết, các sản phẩm đa cấp của Công ty Lô Hội có giá bán cao gấp nhiều lần so với giá mua, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong đó, mặt hàng Sonya Mascara của Canada có giá vốn gần 15.000 đồng, giá bán sỉ của Công ty Lô Hội là 171.000 đồng, cao gấp 11,52 lần; giá bán lẻ lên tới 244.000 đồng, cao gấp 15,1 lần so với giá vốn.
Viên bổ sung dinh dưỡng Forever Bee Pollen của Hoa Kỳ có giá gốc chỉ hơn 3.000 đồng nhưng giá bán sỉ lên tới 244.000 đồng, cao gấp 75 lần; giá bán lẻ còn “kinh khủng” hơn, cao gấp 117,39 lần, lên tới 348.000 đồng…
Đoàn thanh tra cũng kết luận, Lô Hội có hành vi nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng, vi phạm pháp lệnh chất lượng hàng hóa. Trong quá trình hoạt động, cũng đã có không ít người tiêu dùng phản ánh, tố cáo Lô Hội đến các cơ quan chức năng về các nội dung quảng cáo sản phẩm phóng đại lừa dối người tiêu dùng, giá quá cao mà tác dụng không như quảng cáo…
Mới nhất, vào tháng 5/2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã xử phạt hành chính Công ty TNHH Thương mại Lô Hội số tiền 220 triệu đồng với nhiều vi phạm pháp luật về kinh doanh đa cấp.
Trong đó bao gồm các hành vi: Không thực hiện đúng trách nhiệm sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định; hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương khi chưa được sở Công thương cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; thực hiện không đúng nghĩa vụ báo cáo trong hoạt động bán hàng đa cấp tới cơ quan quản lý nhà nước theo quy định pháp luật, không thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký; không thực hiện đúng quy định xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng cho từng người tham gia bán hàng đa cấp hoặc khách hàng mua hàng trực tiếp.
Ai đứng sau đa cấp Lô Hội?
Chủ sở hữu của Công ty Lô Hội là bà Trương Thị Nhi hiện đóng vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2025).
Ngoài Lô Hội bà Nhi còn đứng tên nhiều doanh nghiệp khác như: CTCP LH Holding Group, CTCP Tập đoàn thương mại và dịch vụ du lịch Liên Hoa, Tiệm cầm đồ Megacash, Công ty TNHH Vĩnh Thanh Bến Tre, Công ty TNHH Nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ và dịch vụ kỹ thuật y dược Liên Hoa Go, Công ty TNHH LH Blooms & Greens Việt Nam.
Ngược lại, không ít doanh nghiệp của bà Nhi đã đóng cửa hoặc tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn như: Công ty CP Liên Hoa Power Net (tạm nghỉ), CTCP Vàng bạc đá quý Nguyên Kim (tạm nghỉ), Chi nhánh CTCP Thương mại và Dịch vụ Liên hoa – CLB Thương mại Quốc tế (tạm nghỉ), Công ty TNHH Steel Solution (đóng cửa), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch và Xây dựng Sen Xanh (đóng cửa) và loạt chi nhánh Lô Hội tại Bến Tre, Long An, Cần Thơ cũng đã đóng cửa.
Trong đó phải kể đến Công ty cổ phần Tập đoàn Thương mại và Dịch vụ Du lịch Liên Hoa (Liên Hoa Group) – tập đoàn kinh doanh đa ngành, bao gồm du lịch, tư vấn thương mại, kinh doanh bất động sản, vàng bạc đá quý và xe chuyên dụng.
Theo giới thiệu của Tập đoàn Liên Hoa, Chủ tịch Trương Thị Nhi sinh năm 1948 tại Bến Tre và khởi nghiệp tại Vũng Tàu. Từ năm 1979, bà tham gia sản xuất thiết bị cho cơ sở dầu khí Vũng Tàu.
Đến năm 1983, bà Nhi đào tạo thợ điện lạnh cho dầu khí và xây dựng kho lạnh Phần Lan thuộc Vietsovpetro ở Vũng Tàu. Năm 1985, đón đầu làn sóng mở cửa kinh tế, nữ doanh nhân bắt đầu xây dựng Tập đoàn Liên Hoa kinh doanh du lịch và xuất nhập khẩu.
Năm 1989, bà trở thành Giám đốc Du lịch Đối ngoại tại TP. Hồ Chí Minh, trực thuộc Công ty Du lịch tỉnh Bến Tre và điều hành Quỹ Tín dụng Phù Đổng tại Quận 5.
Năm 1990, bà được cử làm Phó Giám đốc, sau đó làm Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo.
Năm 1991, bà trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Liên Hoa tại Vũng Tàu và là một trong những người đầu tiên thành lập văn phòng tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh.
Năm 1999, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế chấu Á năm 1997, nữ doanh nhân mở nhà hàng tại Singapore và kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam như rau quả, thực phẩm, hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ.
Năm 2001, bà gặp tiến sĩ Rex Maughan – Chủ tịch Tập đoàn Forever Living Products (FLP) Hoa Kỳ tại Singapore và bàn bạc đưa phương thức kinh doanh đa cấp của FLP vào Việt Nam. Bà tham gia các chương trình đào tạo và chuẩn bị nguồn lực để thành lập Công ty Lô Hội – đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm FLP tại Việt Nam.
Cuối năm 2001, Lô Hội khai trương hai văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội. Từ năm 2009, bà Nhi là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam và được bầu là Chủ tịch cho đến nay.
Nguồn: CafeF