Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tính hợp pháp của tài liệu, thông tin đính kèm văn bản tố cáo Hoàng Thùy (do Thanh Hằng gửi Sở TT&TT TPHCM và công an quận Bình Thạnh ngày 19/7). Sau đó, cơ quan có thẩm quyền đưa chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật.
Ngày 21/7, đại diện truyền thông của Thanh Hằng xác nhận với Tiền Phong thông tin Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM (Sở TT&TT TPHCM) và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh (công an quận Bình Thạnh) đã tiếp nhận văn bản tố cáo Á hậu Hoàng Thùy.
Trong đơn, Thanh Hằng trình bày lý do gửi văn bản đến cơ quan chức năng có thẩm quyền là “đề nghị xử lý thông tin đăng trên Facebook Hoàng Thùy” và “giải quyết, xử lý cá nhân, nhóm đối tượng có hành vi cung cấp và phát tán thông tin sai lệch”.
Hiện, khán giả liên tục bàn luận, chia phe. Người cho rằng “Hoàng Thùy bị chèn ép, giận dữ là đúng”, số khác lại nói “Việc không muốn hợp tác với người khác là điều bình thường trong công việc, bất thường là khi Hoàng Thùy tung tin nhắn trao đổi công việc nội bộ các bên”.
Vậy cơ sở nào để Thanh Hằng gửi đơn tố cáo Hoàng Thùy?
Xác minh vụ Thanh Hằng tố cáo Hoàng Thùy: Việc của cơ quan có thẩm quyền
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư, giảng viên Nguyễn Quốc Cường cho biết cơ sở để Thanh Hằng gửi văn bản yêu câu xử lý Hoàng Thùy tùy thuộc mức độ nghiêm trọng từ thông tin phía Hoàng Thùy công khai trên mạng xã hội.
Cơ quan chức năng có thẩm quyền sau đó tiến hành xác minh tính hợp pháp của tài liệu, thông tin mà Thanh Hằng cung cấp nhằm chứng minh cho yêu cầu nêu trong đơn.
Thanh Hằng phải chứng minh được Hoàng Thùy đăng bài viết có tính toán, chủ đích, làm rõ ảnh chụp tin nhắn đăng trên Facebook Hoàng Thùy không có tính xác thực.
Đội ngũ pháp lý của Thanh Hằng đồng thời phải cung cấp được thông tin, dẫn chứng cho thấy bài viết của Hoàng Thùy liên quan trực tiếp đến việc Thanh Hằng bị bạo lực mạng từ thành phần quá khích.
Ngoài ra, cô phải chứng minh việc gia đình, bạn bè, nhãn hàng và đối tác trước sự tiêu cực của vụ việc trong tài liệu, thông tin đính kèm đơn kiện gửi Sở TT&TT TPHCM và công an quận Bình Thạnh.
“Với động thái gửi văn bản đến Sở TT&TT TPHCM và công an quận Bình Thạnh, nhiệm vụ của đội ngũ pháp lý phía Thanh Hằng là cung cấp tài liệu, thông tin chứng minh yêu cầu. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, sau đó đưa kết luận liệu có đủ cơ sở cho rằng Hoàng Thuỳ đưa thông tin ảnh hưởng chương trình MUVN hay ám chỉ Thanh Hằng hay không”, luật sư Nguyễn Quốc Cường nói.
Luật sư nhận định không ai có quyền kết luận hành động của Hoàng Thùy cấu thành hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” Thanh Hằng, trừ khi có kết luận chính thức của Sở TT&TT TPHCM và công an quận Bình Thạnh.
“Mọi chuyện đều quy về tính có căn cứ, pháp lý của thông tin ghi trong văn bản. Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ kết luận có hay không việc Á hậu Hoàng Thùy cấu thành hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người mẫu Thanh Hằng”, luật sư nói thêm.
Chế tài xử phạt cá nhân xúc phạm danh dự, nhân phẩm
Về chế tài xử phạt, luật sư Nguyễn Quốc Cường đưa ra mức phạt chung được quy định rõ tại Nghị định của Chính phủ về việc cá nhân xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
“Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP, ngày 27/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể tại Điều 101 quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm, đồng thời biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật”, luật sư Nguyễn Quốc Cường giải thích.
Với trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền thấy dấu hiệu hình sự đã xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây hậu quả nghiêm trọng, người bị tố cáo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các tội danh tương ứng là Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 Bộ luật Hình sự) hoặc Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Trước khi gọi tên chị đại làng mẫu, Hoàng Thùy ám chỉ HG và DST (được khán giả cho là nhắc đến Hương Giang và Dược sĩ Tiến) góp phần khiến cô mất ghế giám khảo Miss Universe Vietnam 2024.
Nguồn cơn ồn ào giữa Thanh Hằng và Hoàng Thùy đến từ chiếc ghế giám khảo Miss Universe Vietnam 2024. Từ ngày 11-16/7, Hoàng Thùy đăng bốn bài viết ám chỉ hai nhà sản xuất, một “chị đại” chèn ép, gây áp lực lên ban tổ chức, khiến cô mất ghế giám khảo chỉ 2 tiếng trước cuộc họp.
Thanh Hằng lúc đó im lặng, dù loạt chi tiết Hoàng Thùy ghi trong bài viết được khán giả cho là “nhắm mắt cũng biết đang nói tới Thanh Hằng”.
Theo khán giả, “chị đại” là biệt danh gắn với nữ người mẫu suốt nhiều năm, trong khi Chị chị em em, Mỹ nhân kế là hai phim điện ảnh do Thanh Hằng đóng chính.
Đến ngày 16/7, diễn viên Mẹ chồng gửi đơn tố cáo, sau khi Hoàng Thùy đăng phần 4 của Chị chị em em. Trong bài, á hậu đăng ảnh chụp màn hình tin nhắn (Hoàng Thùy đã che tên người gửi) với nội dung: “Thanh Hang doesn’t want… (tạm dịch Thanh Hằng không muốn).
Theo Thanh Hằng, bài đăng của Hoàng Thùy nhắc trực tiếp tên cô, sử dụng từ ngữ ám chỉ khiến nữ người mẫu bị ảnh hưởng. Từ vị trí chị đại làng mẫu, Thanh Hằng bị nhiều dân mạng gọi là “kẻ chèn ép”, “xà tinh”, “rắn độc”… Đồng thời, loạt nhãn hàng hợp tác với Thanh Hằng bị khán giả đánh giá tiêu cực, đòi tẩy chay.
Nữ người mẫu cho rằng cô phải lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cá nhân, bảo vệ gia đình, bạn bè, nhãn hàng và đối tác trước sự tiêu cực của vụ việc. Ngoài việc gửi đơn tố cáo Hoàng Thùy, Thanh Hằng yêu cầu ban tổ chức, nhà sản xuất Miss Universe Vietnam đính chính thông tin.