Những cuộc chạm trán giữa Việt Nam và Indonesia sẽ trở nên nóng bỏng hơn khi tân HLV Kim Sang-sik không chỉ biết rõ, mà còn có mối duyên nợ với HLV Shin Tae-yong.
Dưới thời HLV Philippe Troussier , cái tên Indonesia nói chung và HLV Shin Tae-yong trở thành nỗi ám ảnh của bóng đá Việt Nam. Trong 1 năm, chúng ta thất bại trước họ ở SEA Games 32, ở Asian Cup 2024 và vòng loại World Cup 2026. Mối quan hệ kình địch giữa hai đội cũng vì thế được đẩy lên nấc thang mới. Với ông Kim Sang-sik , cuộc đối đầu (nếu xảy ra) giữa Việt Nam và Indonesia sẽ trở nên nóng bỏng hơn nữa bởi vị tân HLV người Hàn Quốc từng gặp rắc rối với HLV Shin Tae-yong trong quá khứ.
Số là thời còn thi đấu, Sang-sik khởi nghiệp ở CLB Seongnam Ilhwa Cheonma. Trong 8 năm, từ 1999 đến 2008, ông đóng vai trò trụ cột, giúp đội bóng có trụ sở ở đông nam Seoul thống trị K League. Ông cũng hoàn tất mọi danh hiệu mà một cầu thủ Hàn Quốc có thể đạt được trong giai đoạn này, với 3 lần VĐQG, 1 Cúp Quốc gia, 1 Cúp Liên đoàn và 1 Siêu Cúp.
Đúng vào thời điểm hầu hết đều cho rằng Sang-sik sẽ gắn bó trọn đời với Seongnam thì Shin Tae-yong, huyền thoại vĩ đại của CLB được bổ nhiệm vào vị trí HLV trưởng (2008). Tae-yong lập tức tiến hành cuộc cách mạng trẻ nhằm tái thiết Seongnam, đưa đội bóng ra khỏi cuộc khủng hoảng phong độ. Những cầu thủ luống tuổi và được trả lương cao được liệt vào danh sách đen.
Banner lớn về HLV Kim Sang-sik được treo ở sân vận động của Jeonbuk.
Ở tuổi 30, Sang-sik thuộc diện phải ra đi, cùng với Lee Dong-gook (29) và Kim Young-cheol (32). Dĩ nhiên Sang-sik không bao giờ mong muốn cuộc chia tay này xảy ra. Trong cuộc trò chuyện với tờ Donga năm 2018, ông từng kể lại cuộc gặp gỡ với HLV Choi Kang-hee tại một quán cà phê ở Mok-dong, Seoul.
“Lúc ấy tôi vừa bị Seongnam thải loại, và HLV Choi nhấn mạnh với tôi, rằng trong thế giới bóng đá rất cần thiết phải xây dựng văn hóa đối xử tốt với cầu thủ dạng công thần. Tôi thích ý tưởng đó. HLV Choi cũng cho biết ở Jeonbuk không bao giờ trụ cột bị hắt hủi, rồi mời tôi đến đó để cùng xây dựng đội bóng”, ông chia sẻ.
Ở cuộc phỏng vấn khác, Sang-sik cũng bảy tỏ sự bực bội khi tuyên bố “tôi sẽ không bao giờ nếu đấu với Seongnam”. Đáp trả, Tae-yong nói: “Thật tốt khi cậu ta nói thế. Điều này mang lại quyết tâm lớn hơn cho chúng tôi để luôn tạo ra màn trình diễn hay khi đối đầu Jeonbuk”.
HLV Shin Tae-yong từng gặt hái rất nhiều thành công trên cương vị HLV.
Như đã biết, cuộc cách mạng của Tae-yong ở Seongnam khá thành công. Dưới bàn tay nhào nặn của ông, CLB eo hẹp về tài chính đã trở thành nhà vô địch AFC Champions League 2010 và đoạt Cúp Quốc gia 2011. Còn với Sang-sik, không thể trở thành huyền thoại của Seongnam nhưng Jeonbuk luôn có một vị trí trang trọng dành cho ông.
Bằng nỗ lực cùng sự chuyên nghiệp, Sang-sik tự hồi sinh sự nghiệp khi ở tuổi “băm”. Ông quan trọng đến mức hệ thống chiến thuật của HLV Choi không thể vận hành trơn tru nếu thiếu tiền vệ trung tâm với nhãn quan sắc bén cùng các đường chuyền dài độc đáo. Ngay năm đầu Jeonbuk, Sang-sik đã lên ngôi vô địch. Đặc biệt hơn, nâng cúp ngay sau trận quyết định với đội bóng cũ Seongnam.
“Tôi đã chứng minh cho họ thấy, tôi vẫn có thể chơi, thậm chí chơi hay hơn khi ngày càng già đi”, tờ Chosun trích dẫn lời Sang-sik. Vì vậy, có thể coi đây là màn trả thù ngọt ngào của cầu thủ bị ruồng bỏ. Và ông cũng không hề nói quá khi chơi bền bỉ đến tận năm 35 tuổi (2013), đồng thời giành thêm một danh hiệu vô địch K League 1 nữa.
Tới dẫn dắt ĐT Việt Nam, nhiều khả năng Sang-sik sẽ đối đầu với Tae-yong, người đã cầm quân ở Indonesia gần 5 năm. Sớm nhất, cả hai có thể chạm trán ở đấu trường AFF Cup 2024 sẽ diễn ra vào cuối năm, giải đấu mà Việt Nam đặt mục tiêu vào chung kết còn Indonesia mơ tới lần đăng quang đầu tiên.