Faker cũng là tuyển thủ Esports duy nhất lọt vào danh sách.
Vào cuối năm 2021, cộng đồng LMHT khắp thế giới đổ dồn sự chú ý về phía T1 với thương vụ quan trọng nhất của đội tuyển này lúc đó: gia hạn với Faker. Đó là một năm nhiều biến động với T1, khi họ có màn “thay tướng giữa dòng” chưa từng có tiền lệ.
Và việc thay tướng đó, cùng với đưa Faker trở lại cố định ở vị trí Đường Giữa trong đội hình xuất phát, T1 đã đi một mạch đến trận chung kết LCK Mùa Hè 2021, sau đó là Bán Kết CKTG cùng năm. Và việc gia hạn hợp đồng buộc tất cả các bên phải cân nhắc thật kỹ, nhất là thời điểm đó đã có nhiều thông tin Faker tụt dốc phong độ.
Thương vụ gia hạn hợp đồng với Faker năm 2021 của T1 thu hút sự chú ý
Vào thời điểm đó, và cả ở năm 2022, Faker đã nhận về rất nhiều lời đề nghị từ các khu vực lớn khác trong làng LMHT , tiêu biểu là LPL. Theo nhiều nguồn tin từ truyền thông xứ Hàn, T1 đã đưa ra những lời đề nghị rất hậu hĩnh, kèm theo tình cảm mà Faker dành cho T1, mới có thể giúp đội tuyển này giữ lại Faker sau nhiều năm chinh chiến tại LCK.
Đích thân CEO T1 đã thương lượng trực tiếp với Faker tại nhà anh
Mới đây, theo thông tin được tiết lộ từ Korea Net, mức lương hàng năm của các vận động viên xứ kim chi đã được tiết lộ. Đây chính là mức lương sẽ áp dụng cho các VĐV này trong năm 2024, hoặc ít nhất là cho đến trước khi họ có một bản hợp đồng mới.
Theo đó, người đứng đầu là Lee Jung-hoo – cầu thủ bóng chày đang khoác áo San Francisco Giants. Trong những năm gần đây, giới bóng chày châu Á đang nhận được rất nhiều sự săn đón từ các quốc gia khác trên thế giới, và ngay cả ở thủ phủ của bộ môn này là nước Mỹ. Mức lương trung bình của Lee Jung-hoo là khoảng 17,1 tỷ won (hơn 319 tỷ VND).
Top 7 VĐV người Hàn có lương trung bình cao nhất trong năm tới
Nhưng đáng ngạc nhiên hơn chính là vị trí của Faker khi trong nhóm 7 người, anh cũng lọt được vào hạng 6, trên cả siêu sao đang khoác áo “gã nhà giàu” Paris Saint-Germain đang thi đấu tại Ligue 1 là Lee Kang-in. Theo đó, mức lương trung bình của Faker được truyền thông Hàn đưa ra lên đến 7 tỷ won (tương đương khoảng hơn 130 tỷ VND). Đây cũng là con số lớn nhất tại khu vực LCK mà một tuyển thủ Esports có thể sở hữu. Theo nhiều đánh giá, mức này có thể bao gồm lương, thưởng và các nguồn thu nhập mà T1 mang lại được cho Faker.
Lương Faker cao hơn cả cầu thủ Lee Kang-in của PSG
Cho ai chưa biết, trong T1, Faker cũng là gương mặt visual nhất và được các thương hiệu lớn săn đón. Faker đã từng quảng bá cho cả Mercedes lẫn BMW cũng như Samsung hay nhiều thương hiệu, cả trong lẫn ngoài Esports. Ngoài ra, anh còn có thu nhập từ việc livestream theo lịch trình của đội tuyển, trang phục CKTG… cũng như một số nguồn thu khác.
Lương của Faker đến từ rất nhiều nguồn
Với những gì Faker đã và đang cống hiến cho T1, cho LCK cũng như cho nền LMHT thế giới, con số này hoàn toàn không hề khó hiểu. Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, Faker đã có được đầy đủ, từ danh tiếng, sự nghiệp vĩ đại cho đến tiền tài. Và với việc nếu vẫn đảm bảo được thu nhập, có lẽ Faker sẽ kết thúc sự nghiệp tại T1 như ước mơ của rất nhiều fan của anh và của đội tuyển này trên thế giới.