Một trong những ứng viên mới nhất nhắm tới vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam là ông Marco Pezzaiuoli – cựu trợ lý của HLV Rangnick.
Bản CV “nhiều vấn đề”
2 điểm nhấn lớn trong CV của HLV Marco Pezzaiuoli là từng vô địch U19 châu Âu và làm trợ lý của nhà cầm quân nổi tiếng Rangnick.
Đội hình U19 Đức vô địch châu Âu năm 2009 do ông Marco Pezzaiuoli dẫn dắt có nhiều cầu thủ sau này đã nổi danh toàn thế giới như Stegen, Leno và đặc biệt là Mario Gotze – chân sút ghi bàn thắng quyết định giúp tuyển Đức thắng Argentina ở chung kết World Cup 2014.
Năm 2011, khi HLV Rangnick chia tay CLB Hoffenheim, ông Marco Pezzaiuoli đang đảm nhận vai trò trợ lý đã được tin tưởng trao vị trí HLV trưởng.
Tuy nhiên, trong phần lớn sự nghiệp cầm quân, HLV Marco Pezzaiuoli không thực sự có duyên với các đội bóng chuyên nghiệp.
HLV Marco Pezzaiuoli mới chỉ thành công khi làm HLV trưởng ở cấp độ trẻ.
Năm 2006, nhà cầm quân người Đức bị sa thải chỉ 5 trận dẫn dắt Eintracht Trier. Thời điểm đó Eintracht Trier đang thi đấu ở hạng Tư trong hệ thống bóng đá Đức.
Sau nhiều năm gắn bó với bóng đá trẻ, mãi tới năm 2011, HLV Marco Pezzaiuoli mới có cơ hội thứ hai khi thay thế ông Rangnick ở Hoffenheim. Nhưng nhiệm kỳ lần này cũng chỉ kéo dài chưa đầy nửa năm. Hoffenheim vội vàng công bố sẽ không gắn bó lâu với HLV Marco Pezzaiuoli khi đội bóng trải qua chuỗi phong độ kém cỏi, chỉ thắng 1 trong 8 trận.
Sang Nhật làm việc tại Cerezo Osaka, HLV Marco Pezzaiuoli cũng chỉ trụ được vài tháng. Trong thời gian ông cầm quân, Cerezo Osaka không thắng nổi trận nào ở J.League.
CLB mà ông Marco Pezzaiuoli dẫn dắt lâu nhất là Bengaluru (Ấn Độ). Nhưng trong mùa giải trọn vẹn duy nhất của chiến lược gia người Đức, Bengaluru xếp thứ 6/10 đội tại giải VĐQG. Đây là thành tích tệ thứ hai trong lịch sử CLB.
Cần tránh “vết xe đổ” thời HLV Troussier
Nhìn nhận một cách khách quan, HLV Troussier có trình độ chuyên môn cực tốt, đặc biệt trong việc đào tạo cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, ở thời điểm nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông Troussier đã trải qua nhiều năm không trực tiếp cầm quân.
Sau những chiến tích lịch sử cùng đội tuyển Nhật Bản, vị chiến lược gia người Pháp cũng đã không đạt được nhiều thành công trong gần 20 năm tiếp theo dù chuyển nhiều đội bóng khác nhau.
HLV Troussier không sai khi muốn xây dựng lối chơi chủ động hơn cho đội tuyển Việt Nam. Nhưng những tính toán đường dài của ông dường như hợp với tầm nhìn của một giám đốc kỹ thuật hơn là một HLV – vị trí phải đối mặt với áp lực chiến thắng hàng ngày.
HLV Troussier gặp nhiều khó khăn khi triển khai kế hoạch với đội tuyển Việt Nam.
Để rồi, hậu quả là đội tuyển Việt Nam thất bại trong chiến dịch quan trọng nhất là vòng loại World Cup 2026 và HLV Troussier cũng phải sớm chấm dứt hợp đồng.
Trường hợp của HLV Marco Pezzaiuoli có không ít điểm tương đồng. Nhà cầm quân người Đức tạo dấu ấn ở cấp đội tuyển (U19 Đức) nhưng không thành công ở những đội bóng chuyên nghiệp sau đó. Trong 10 năm trở lại đây, ông Marco Pezzaiuoli chủ yếu làm giám đốc kỹ thuật và đào tạo trẻ hơn là trực tiếp cầm quân. Điều trùng hợp là ông cũng từng làm việc ở Trung Quốc giống như HLV Troussier.
Với những điểm hạn chế tương đối rõ ràng, phương án HLV Marco Pezzaiuoli hoàn toàn có nguy cơ khiến đội tuyển Việt Nam đi vào “vết xe đổ” như dưới thời HLV Troussier.